Nghiên cứu mới cho thấy tỉ suất sinh ở các nước giàu trên thế giới đã giảm hơn một nửa kể từ năm 1960, xuống mức thấp kỷ lục hiện nay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 1 công bố kế hoạch “tái vũ trang nhân khẩu học” (demographic rearmament) tại quốc gia châu Âu này thông qua xét nghiệm khả năng sinh sản và tăng chế độ nghỉ phép chăm con. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cũng đã hứa hẹn nếu đắc cử sẽ thưởng tiền cho các cặp đôi để khởi động “đợt bùng nổ trẻ sơ sinh mới”.
Vì đâu nên nỗi?
Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố tuần trước, trung bình số trẻ em mà một phụ nữ sinh ra ở 38 nền kinh tế thuộc OECD đã giảm từ mức 3,3 trẻ/phụ nữ (năm 1960) xuống còn 1,5 trẻ/phụ nữ (năm 2022).
Tỉ suất sinh hiện nay ở hầu hết các nước OECD thấp hơn nhiều so với “mức sinh thay thế” 2,1 trẻ/phụ nữ – mức mà dân số của một nước được coi là ổn định mà không cần người nhập cư.
“Sự suy giảm này sẽ làm thay đổi bộ mặt xã hội, cộng đồng, gia đình và có khả năng gây ra những tác động to lớn đến tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng” – OECD cảnh báo.
TIN LIÊN QUAN
- ADB: Dân số Việt Nam và châu Á đang già đi trước khi giàu
- Buồn, lo già hóa dân số: Nhiều người 60, 70 tuổi phải ra đường kiếm sống
Tỉ suất sinh (số con tính bình quân trên một phụ nữ) cao nhất được ghi nhận ở Israel là 2,9, tiếp theo là Mexico và Pháp với 1,8. Pháp và Ireland có tỉ suất sinh cao nhất châu Âu.
Hungary đã nâng tỉ suất sinh lên mức trung bình của OECD trong thập niên qua, với chi tiêu cho phúc lợi gia đình chiếm hơn 3% GDP.
Tỉ suất sinh thấp nhất được ghi nhận ở khu vực Nam Âu và Nhật Bản với mức 1,2. Hàn Quốc là nước có tỉ suất sinh thấp nhất trong nhóm – khoảng 0,7.
OECD nhận định tỉ suất sinh đã giảm mạnh ở một số nước giàu nhất thế giới và có khả năng sẽ tiếp tục ở mức thấp vì những lo ngại về kinh tế khiến người dân phải cân nhắc các khoản chi phí khi sinh con.
Ông Stefano Scarpetta – giám đốc về việc làm, lao động và các vấn đề xã hội tại OECD – giải thích: “Mặc dù các nước thành viên OECD đang sử dụng nhiều phương án chính sách để hỗ trợ các gia đình, nhưng chi phí và sự bất ổn tài chính dài hạn khi sinh con vẫn tiếp tục ảnh hưởng đáng kể đến quyết định làm cha mẹ của mọi người”.
Nhiều người dân ở các nước này đang lựa chọn sinh con muộn hơn hoặc không sinh con. “Cả nam và nữ thanh niên ngày càng tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống bên ngoài việc làm cha mẹ” – OECD chỉ ra.
Vào năm 2020, độ tuổi trung bình sinh con đầu lòng của các bà mẹ tại các nước OECD là gần 30 – tăng so với độ tuổi trung bình 26,5 vào năm 2000. Con số này tăng lên hơn 30 tuổi ở Ý, Tây Ban Nha và Hàn Quốc.
Ông Willem Adema, nhà kinh tế cao cấp trong bộ phận chính sách xã hội của OECD, cảnh báo việc trì hoãn sinh con làm tăng nguy cơ không có con. Ông cũng lưu ý một bộ phận giới trẻ ngày càng mong muốn theo đuổi các mục tiêu cuộc sống mà không nhất thiết sinh con.
Hệ lụy và giải pháp
Tỉ suất sinh giảm từ lâu đã là mối lo ngại của các nhà kinh tế. Họ cho rằng xã hội già hóa có thể làm giảm lực lượng lao động, làm trầm trọng thêm lạm phát, đảo lộn văn hóa tiêu dùng mà các nền kinh tế phụ thuộc vào và làm quá tải các chương trình của chính phủ do phải chăm sóc dân số già.
Tăng trưởng dân số chậm cũng là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo về già hóa dân số năm 2024 của Ủy ban châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trên khắp Liên minh châu ÂU (EU), mức tăng của lực lượng tham gia lao động chẳng mấy nữa sẽ không đủ để bù đắp cho mức suy giảm của dân số trong độ tuổi lao động, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động.
Cùng với tuổi thọ ngày càng tăng, tỉ suất sinh thấp cũng gây áp lực lên tài chính công vì sẽ có ít người nộp thuế – nguồn lực cần thiết để chi trả cho chi phí ngày càng tăng của dân số già. Tình trạng thiếu học sinh cũng đang khiến nhiều trường học trên khắp châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc phải đóng cửa.
Ông Willem Adema, nhà kinh tế cao cấp trong bộ phận chính sách xã hội của OECD, cho biết các nước có thể hỗ trợ tỉ suất sinh bằng cách thực hiện chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và chia sẻ công việc, trách nhiệm nuôi dạy con cái.
Nghiên cứu của OECD phát hiện mối liên hệ tích cực giữa tỉ lệ có việc làm của phụ nữ và tỉ suất sinh cao hơn, nhưng cũng thấy rằng giá nhà đang ngày càng trở thành rào cản đối với việc sinh con.
Tuy nhiên, ông Adema cho rằng ngay cả các chính sách khuyến khích như vậy cũng khó có thể nâng tỉ suất sinh lên mức sinh thay thế. Ông nói thêm “một tương lai sinh đẻ thấp” sẽ đòi hỏi các nước phải tập trung vào chính sách nhập cư cũng như “các biện pháp có thể giúp mọi người khỏe mạnh và làm việc lâu hơn, cải thiện năng suất”.