Khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT là điều mà nhà nước luôn khuyến khích thực hiện. Bộ Y tế gửi BHXH Việt Nam thông tin về mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh có BHYT. Bạn đừng bỏ qua tất cả thông tin hữu ích trong bài viết sau để thuận lợi bảo vệ quyền lợi của mình khi không may xảy ra bệnh tật nhé!
Chia sẻ thông tin mới nhất về khám chữa bệnh BHYT
Dưới đây là những thông tin quan trọng nhất, mới nhất được cập nhật liên tục về chi phí khám chữa bệnh theo BHYT cho bạn đọc tham khảo, nhờ vậy bảo vệ tốt quyền lợi của mình và giảm bớt gánh nặng kinh tế:
Theo Bộ Y tế, căn cứ quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Bộ Y tế hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trong giai đoạn chuyển tiếp từ 01/7/2024 – 31/12/2024 như sau:
- Về mức hưởng BHYT theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018, quy định trường hợp người bệnh vào viện hoặc bắt đầu đợt điều trị trước ngày 01/7/2024 nhưng ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị từ ngày 01/7/2024: Chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (tương đương thấp hơn 351.000 đồng).
- Về mức thanh toán trực tiếp theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP từ 01/7/2024, quy định trường hợp người bệnh vào viện hoặc bắt đầu đợt điều trị trước ngày 01/7/2024 nhưng ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị từ ngày 01/7/2024:
- Tại điểm a khoản 1, số tiền tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở (tương đương tối đa không quá 351.000 đồng).
- Tại điểm b khoản 1, số tiền tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở (tương đương tối đa không quá 1.170.000 đồng).
- Tại khoản 2, số tiền tối đa không quá 1,0 lần mức lương cơ sở (tương đương tối đa không quá 2.340.000 đồng).
- Tại khoản 3, số tiền tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở (tương đương tối đa không quá 5.850.000 đồng).
Riêng mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư số 04/2017/TT-BYT ngày 14/4/2017 của Bộ Y tế. Cụ thể:
- Trường hợp người bệnh vào viện từ ngày 01/7/2024: Không vượt quá 105.300.000 đồng.
- Trường hợp người bệnh vào viện hoặc bắt đầu đợt điều trị trước ngày 01/7/2024 nhưng ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị từ ngày 01/7/2024:
- Trước ngày 01/7/2024: Không vượt quá 81.000.000 đồng.
- Từ ngày 01/7/2024: Không vượt quá 105.300.000 đồng.
Nhìn chung, có thể thấy, BHYT đã nâng mức hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh lên mức cao nhất từ trước đến nay, giúp bệnh nhân an tâm điều trị, không lo lắng gì thêm.
Mức hỗ trợ của BHYT dành cho trường hợp nằm viện như thế nào?
Theo Điều 9 Quyết định 1399/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tùy theo bệnh nhân khám chữa bệnh (KCB) đúng tuyến hay trái tuyến mà mức hỗ trợ có sự khác biệt nhất định. Cụ thể như sau:
Nếu nằm viện đúng tuyến thì BHYT chi trả:
- 100% chi phí KCB: Người có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh (tỷ lệ tổn thương từ 81% trở lên); người tham gia bảo hiểm liên tục từ 5 năm trở lên; trẻ em dưới 6 tuổi; người đi KCB đúng tuyến tại tuyến xã; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp hàng tháng…
- 95% chi phí KCB: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động; người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, người hưởng trợ cấp thất nghiệp; người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người thuộc hộ gia đình cận nghèo; người dân tộc thiểu số…
- 80% chi phí KCB: Các đối tượng còn lại.
Nếu nằm viện trái tuyến thì BHYT chi trả:
Căn cứ theo quy định tại khoản 15 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 và bệnh nhân không phải trường hợp cấp cứu thì:
- 40% chi phí KCB: Nằm viện tuyến trung ương (áp dụng trên phạm vi cả nước).
- 60% chi phí KCB: Nằm viện tuyến tỉnh (áp dụng trên phạm vi cả nước, từ ngày Luật có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2020).
- 100% chi phí KCB: Nằm viện tuyến tỉnh (áp dụng trên phạm vi cả nước, từ ngày 01 tháng 01 năm 2021).
Các chính sách này áp dụng tương tự cho những hạng mục KCB mà nhà nước quy định trong những điều luật. Bạn dễ dàng tra cứu dịch vụ mà mình sử dụng có được hay không trên mạng Internet.
Giá trị sử dụng thẻ BHYT
Sau khi mua bảo hiểm thành công. bạn sẽ nhận hỗ trợ sau:
- Đối với người tham gia là lần đầu, gián đoạn thời gian tham gia BHYT liên tục từ 3 tháng trở lên thẻ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày đóng tiền.
- Đối với người tham gia liên tục, gia hạn thẻ, gián đoạn tối đa không quá 3 tháng thì thẻ có hiệu lực từ ngày đóng tiền BHYT cho đơn vị, đại lý thu..
Có thể thấy, nắm rõ những thông tin hữu ích về chi phí trong việc khám chữa bệnh BHYT vô cùng quan trọng giúp tận hưởng nhiều quyền lợi tốt nhất. Đừng quên theo dõi các nội dung khác trên website để tích lũy nhiều kiến thức cần thiết nhé!
Nguồn thông tin: Sức Khỏe & Đời Sống.