Việc Apple và Meta mở đàm phán cho thấy xu hướng xuất hiện các thương vụ hợp tác tưởng như ‘không tưởng’ giữa các công ty công nghệ trong kỷ nguyên AI.
Ngày 23-6, báo Wall Street Journal khẳng định Apple đang thương thảo với Meta (công ty mẹ của Facebook) về việc tích hợp chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) Llama 3 vào nền tảng Apple Intelligence của hãng.
Nếu được ký kết, đây sẽ là cú bắt tay khó tin của hai công ty công nghệ vốn đứng hai “bờ chiến tuyến” suốt nhiều năm, song cũng phản ánh xu thế chung của toàn ngành AI.
Cuộc đua trên iPhone
Dẫn nguồn thạo tin trong giới công nghệ, Wall Street Journal (WSJ) khẳng định lãnh đạo hai tập đoàn công nghệ tỉ đô đã bắt đầu việc đàm phán đưa Llama 3 lên các thiết bị tân tiến nhất của Apple. Nếu quá trình thương thảo thành công, Llama 3 sẽ là một trong những chatbot (công cụ giao tiếp ảo) AI mà người dùng có thể lựa chọn để tích hợp vào hệ điều hành của Apple.
Giống như các chatbot AI phổ biến khác như ChatGPT (OpenAI), Gemini (Google), CoPilot (Microsoft)…, Llama 3 của Meta sở hữu khả năng nhận dữ liệu bằng văn bản, hình ảnh, giọng nói… để xử lý và trả ra kết quả theo yêu cầu của người dùng.
- Apple Intelligence: Loạt cải tiến sâu rộng về AI của Apple
- Apple tích hợp ChatGPT trên tất cả các thiết bị
Trong khi đó, Apple Intelligence là nền tảng AI được Apple công bố tại Hội thảo nhà phát triển toàn cầu 2024 (WWDC 2024) vào hôm 10-6. Nền tảng này bao gồm mô hình AI ngôn ngữ lớn (LLM) được chính Apple phát triển, tích hợp sâu vào hệ điều hành các thiết bị nhằm xử lý mượt mà những tác vụ hằng ngày của người dùng.
Ngoài ra, với các tác vụ phức tạp hoặc có tính chuyên môn hóa cao, người dùng có thể yêu cầu hệ điều hành gửi thẳng dữ liệu đến một chatbot AI bên thứ ba để xử lý. Đây chính là khi các chatbot trên thị trường xuất hiện, với ChatGPT của OpenAI là sản phẩm đầu tiên được Apple “chọn mặt gửi vàng”.
Ngay tại WWDC 2024, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách phần mềm của Apple Craig Federighi khẳng định tập đoàn này sẽ đàm phán với các công ty AI hàng đầu khác để đưa sản phẩm của họ lên thiết bị “nhà táo”. Từ đó đến nay, thông tin về việc các “ông lớn” AI như Google, Anthropic, Perplexity đàm phán cùng Apple lần lượt xuất hiện, với Meta là công ty mới nhất được đưa tin.
Cơ hội tiếp cận hàng tỉ người dùng
WSJ cho biết thỏa thuận giữa Apple và Meta chưa hoàn tất và vẫn có khả năng quá trình đàm phán đổ bể. Tuy nhiên, cả hai đều đặt niềm tin vào thương vụ thành công vì những lợi ích nó có thể mang lại.
Đối với Meta, đó là cơ hội được phân phối trực tiếp đến hơn 2 tỉ thiết bị Apple đang hoạt động trên toàn thế giới (số liệu được Apple công bố hồi tháng 2). Chính “miếng bánh” này đã thu hút OpenAI đặt bút ký thỏa thuận với Apple.
Ông Gene Munster, nhà phân tích Apple lâu năm tại công ty tư vấn Deepwater Asset Management, nhận định thỏa thuận trên có thể giúp ChatGPT tăng gấp đôi lượng người dùng. Trong số này, khoảng 10 – 20% sẽ “trút hầu bao” trả các gói thuê bao chatbot nâng cao và mang lại hàng tỉ USD doanh thu cho công ty AI.
Thỏa thuận trở nên hấp dẫn hơn khi Apple không yêu cầu bất kỳ bên nào phải trả tiền cho nhau. Thay vào đó, Apple chỉ muốn nhận hoa hồng từ các giao dịch thanh toán thuê bao chatbot thực hiện trên thiết bị của mình.
Nhờ Apple, OpenAI hay Meta có cơ hội tiếp cận người dùng cực kỳ mạnh mẽ với chi phí ở mức hoàn toàn chấp nhận được. Nói cách khác, đây là thương vụ rủi ro thấp, lợi nhuận cao mà toàn ngành AI đều muốn dự phần.
Ở chiều ngược lại, Apple sẽ đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng. Ông Federighi từng khẳng định người dùng có những yêu cầu công việc khác nhau và cần những chatbot AI khác nhau để giải quyết. Bên cạnh đó, việc đưa các chatbot khác lên thiết bị của mình cũng là động thái “không bỏ hết trứng vào một giỏ” của Apple.
Một khía cạnh khác cần lưu ý là AI vẫn đang trong giai đoạn sơ khởi. Các công ty đi sau hoàn toàn có thể bứt phá và vượt mặt những công ty có thị phần lớn trong vài năm tới. Để làm được điều này cần đáp ứng hai điều kiện chính: thu hút nhân tài và có cơ sở hạ tầng mạnh mẽ để phát triển AI.
Meta đang là một trong những công ty công nghệ tất tay với AI nhất trên thị trường. Tập đoàn này đã tăng dự báo chi tiêu vốn năm 2024 lên khoảng 35 đến 40 tỉ USD, hầu hết dồn vào AI.
Ông Zuckerberg cũng từng tự hào khoe rằng đến cuối năm 2024 Meta sẽ sở hữu hơn 340.000 bộ xử lý đồ họa (GPU) H100 của Nvidia – sản phẩm chip được săn đón hàng đầu cho việc phát triển AI tạo sinh. Trong năm 2023, tập đoàn này được cho là đã nhận 150.000 chiếc H100, ngang bằng ông lớn Microsoft và ít nhất gấp ba lần bất kỳ đối thủ nào khác.
“Chúng tôi đã tích lũy năng lực vi tính với quy mô lớn hơn bất kỳ công ty đơn lẻ nào”, ông Zuckerberg tuyên bố. Điều này hứa hẹn khả năng cao Llama 3 và các phiên bản sau này sẽ bùng nổ trong tương lai và Apple không muốn bỏ lỡ cơ hội hợp tác dài lâu này.
Sẽ xuất hiện thương vụ không tưởng?
Việc Apple và Meta mở đàm phán cho thấy xu hướng xuất hiện các thương vụ hợp tác tưởng như “không tưởng” giữa các công ty công nghệ trong kỷ nguyên AI.
Trong vài năm qua, Apple và Meta liên tục ở thế đối đầu trong nhiều khía cạnh kinh doanh cốt lõi. Apple lấy việc bảo mật và quyền riêng tư của người dùng làm tôn chỉ phát triển và giá trị nền tảng cho các sản phẩm của mình.
Ở chiều ngược lại, Meta lại là mô hình kinh doanh xoay quanh việc bán quảng cáo và cần lượng khổng lồ dữ liệu người dùng. Chính Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg từng phải điều trần trước Quốc hội Mỹ về những bê bối liên quan đến gian lận dữ liệu người dùng của tập đoàn này.
Đỉnh điểm của căng thẳng là năm 2021 Apple ban hành nhiều biện pháp tăng cường quyền riêng tư mới cho thiết bị của mình. Meta thừa nhận động thái của Apple khiến công ty này mất 10 tỉ USD doanh thu năm 2022.
Đến tháng 4-2024, Meta đăng tải hướng dẫn khuyến khích các đối tác thanh toán phí quảng cáo trực tiếp trên website của các mạng xã hội thuộc tập đoàn này, thay vì thanh toán qua phần mềm điện thoại để qua mặt khoản “phí nền tảng” 30% của Apple.